Lời Phật dạy về bệnh tật của thân và tâm

Đức Phật được người đời xưng tụng là Y vương vì ngài là  bậc thầy trong việc chữa trị tâm bệnh và thân bệnh của chúng sinh. Cùng chuyên mục tâm linh tham khảo những lời Phật dạy về bệnh tật nhé! 

Lời Phật dạy về bệnh tật của thân và tâm
Lời Phật dạy về bệnh tật của thân và tâm

1. Quan điểm của đạo Phật về sức khỏe và nghiệp

Với thế giới quan Phật giáo, sức khỏe và bệnh tật liên quan đến toàn bộ thể trạng của một con người và đan quyện với nhiều yếu tố khác như kinh tế, giáo dục, môi trường văn hóa và xã hội. Sức khỏe, có thể hiểu trong một chỉnh thể trọn vẹn. Quan tâm đến sức khỏe là quan tâm đến con người chỉnh thể, gồm có phương diện thân thể vật lý và tinh thần, các mối quan hệ xã hội, gia đình và công việc, cũng như môi trường trong đó người ấy sống và chịu sự ảnh hưởng tác động.

Với cách nhìn của Phật giáo thì bệnh tật chính là biểu hiện của sự mất hòa hợp trong toàn bộ sự sống tổng thể ở con người. Qua những dấu hiệu của cơ thể, bệnh tật đã giúp chúng ta biết chú ý đến sự mất hòa hợp này. Vì thế điều trị trong Phật giáo không chỉ là chữa trị các triệu chứng có thể cân đo đong đếm mà chú trọng nhiều hơn đến sự nỗ lực trong việc kết hợp giữa thân và tâm để vượt qua bệnh tật.

Phật giáo cho rằng nghiệp là yếu tố quan trọng góp phần vào tình trạng sức khỏe và bệnh tật của con người. Sức khỏe tốt liên quan đến nghiệp tốt đã tạo trong quá khứ và ngược lại. Sức khỏe của một người phụ thuộc vào lối sống của người đó, tức là tùy vào cách nghĩ, cách cảm nhận và cách sống của một người. Bệnh là hậu quả của một lối sống không lành mạnh. Bên cạnh những nguyên nhân gây nên bệnh về thân, bệnh còn do nghiệp xấu trong những kiếp sống quá khứ tạo nên. Bệnh do nghiệp gây nên thì không thể chữa lành bằng các phương tiện y khoa, mà bệnh chỉ hết khi nào nghiệp quả được trả hết. Tuy nhiên nghiệp của mỗi người là điều bí ẩn đối với chính bản thân người đó cũng như đối với người khác. Cũng vì thế mà không một người bình thường nào có thể biết được bệnh nào là do nghiệp.

Đạo Phật khuyên rằng, với mục đích thực tế, chúng ta nên xem tất cả các căn bệnh đều có các nguyên nhân từ trong thân thể. Và ngay cả khi bệnh do nghiệp mà ra thù bệnh đó cũng cần được chữa trị. Không có điều kiện nào là cố định vĩnh viễn. Và vì mối liên hệ nhân quả giữa việc đã làm với hậu quả tương ứng có tính điều kiện hơn là ấn định, nên hễ còn sống là còn có khả năng chữa trị. Sự chữa trị này không can thiệp được vào quá trình hoạt động của nghiệp cá nhân, nhưng có thể làm giảm đi ảnh hưởng của nó. Phật giáo nhắc nhở những người mắc những chứng bệnh không thể chữa trị được là hãy kiên nhẫn thực hiện các việc thiện để làm vơi nhẹ ảnh hưởng của nghiệp xấu vốn đã tạo từ trong quá khứ. Việc tự mình cố gắng duy trì sức khỏe hoặc phục hồi sức khoẻ đã là nghiệp tốt rồi.

2. Lời Phật dạy về bệnh tật: Bệnh về thân và tâm

Theo quan điểm Phật giáo thì do nghiệp trong các kiếp sống quá khứ nên thân thể của mỗi người mỗi khác, cả về biểu hiện bề ngoài và cấu trúc cơ thể. Mọi người cần quan tâm đúng mức đến thân thể, như không hủy hoại thân thể bằng thức ăn độc hại, uống rượu, hút thuốc hay có lúc quá sa đà vào ăn uống hoặc có khi nhịn đói đến rã ruột.

Một thân thể khỏe mạnh được thiết lập trên sự vận hành bình thường của cơ thể và sự hòa hợp trong mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ quan bên trong. Khi một trong những cơ quan của cơ thể không vận hành hay suy nhược thì bệnh tật sẽ phát sinh. Chữa bệnh là giúp toàn bộ cơ thể phục hồi lại trạng thái cân bằng chứ không phải chỉ phần bị tổn thương đang bệnh và gây nên đau đớn kia trở lại trạng thái tốt nhất có thể. Vì mỗi một cơ quan trong cơ thể có quan hệ gắn bó khắng khít với các cơ quan khác nên để có sức khỏe tốt thì toàn bộ cơ thể cần phải được duy trì trong tình trạng tốt.

Cơ thể con người cũng giống như tất cả các hiện tượng khác, luôn trong trạng thái thay đổi, suy thoái và hư hoại nên sức khỏe của thân cũng không thể duy trì mãi mãi. Một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh và lúc nào cũng không bệnh tật là điều không thể xảy ra. Cơ thể sống con người dễ dàng sinh bệnh trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Bệnh là một dấu hiệu nhắc mọi người ý thức hơn về sự mong manh của kiếp người. Điều này ngầm cho thấy hoàn toàn khỏe mạnh là điều không thể có được. Từ đó suy ra, sự bình an của con người không có nghĩa là phải vắng mặt tất cả khổ và đau trong cuộc sống, mà bình an nằm ở chỗ biết cách thỏa hiệp với đau và khổ, làm thế nào để sử dụng nó như là một bệ phóng giúp mình phát triển và có sự hiểu biết thông cảm với người khác.

Mặc dù Phật giáo quan niệm giữa thân và tâm có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau nhưng giáo lý đạo Phật đặc biệt chú trọng nhiều hơn đến tâm và sức mạnh của tâm. Nguồn sống và nguồn hạnh phúc hay bất hạnh nằm trong năng lực của mỗi người. Không ai có thể hại chúng ta trừ chính bản thân mình. Tùy loại tư duy mà thân thể chúng ta khỏe mạnh hay đau ốm, cao thượng hay thấp hèn. Chính vì vậy, đạo Phật xem tư tưởng là nghiệp nhân tạo nên các hành động của thân và lời nói. Vì lẽ đó, sức mạnh tinh thần được xem là vô cùng quan trọng và đạo Phật chú trọng đến sự rèn luyện tinh thần để đạt đến trạng thái sức khỏe tốt nhất. Thân và tâm đều có thể mắc bệnh nhưng vì tâm có khả năng thoát ly khỏi thân, nên vẫn có trường hợp một tâm hồn khỏe mạnh trong một thân thể bệnh tật.

Sức khỏe tinh thần của mọi người còn tùy thuộc vào năng lực chế ngự những thèm khát, hóa giải các tâm lý tiêu cực như tham lam, thù ghét và sân hận, thay đổi các khuynh hướng chiếm hữu và thô bạo. Tất cả những trạng thái tâm lý tiêu cực này đều có thể là nguyên nhân gây nên bệnh về thân và tâm. Để có thể kiểm soát và hóa giải các trạng thái tâm lý như vậy thì cần sống đạo đức và thực hành thiền định. Phương pháp thiền định không chỉ có tác dụng chữa lành bệnh cho tâm mà còn là phương pháp trau giồi tâm lý tích cực, đặc biệt là bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ và xả.

Bài viết trên của website xosomiennam.org đã gửi đến độc giả thông tin về lời Phật dạy về bệnh tật, hy vọng sẽ giúp ích cho độc giả trong cuộc sống. Ngoài ra độc giả có thể tham khảo thêm lời Phật dạy về tình anh em nếu muốn nhé!

X